Áo Tứ Thân – Nét Đẹp Tinh Tế Trong Trang Phục Việt

0

Ngày nay chúng ta khó có thể bắt gặp được hình ảnh người phụ nữ mặc áo tứ thân ở Bắc Bộ. Họa lắm nếu gặp thì chỉ là của các liền anh, liền chị hát quan họ trong các lễ hội, hay trên sân khấu.

“Tìm trong bao vành nón. Một dáng nón ba tầm

Tìm trong bao tà áo. Một sắc áo tứ thân…”.

Đó là 2 câu trong bài hát quen thuộc Bâng khuâng trong chiều Hội Lim. Đúng vậy, áo tứ thân không chỉ thể hiện bản sắc riêng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà nó còn thể hiện nét tinh tế trong văn hóa trang phục của người phụ nữ Việt Nam.

Áo tứ thân
Áo tứ thân

Không rõ xuất hiện từ khi nào, nhưng hình ảnh chiếc áo này với nón quai thao cùng khăn mỏ quạ đã làm cho người phụ nữ Việt xưa trở nên thật duyên dáng. Áo tứ thân dài từ cổ buông xuống quá đầu gối, vì được may từ nhiều mảnh vải nên đây cũng có thể gọi là áo đa sắc. Người phụ nữ Bắc Bộ xưa thường diện áo màu nâu non hoặc nâu già. Loạị áo này gồm hai vạt, 4 tà, không có khuy và có 2 tay áo để xỏ vào khi mặc. Phía trước có hai thân tách rời, chúng được buộc lại với nhau và thả trước bụng nhằm tạo cho dáng người được thon thả.

Nét tinh tế của áo tứ thân là vạt bao giờ cũng để hở một phần ngực. Bên trong, người phụ nữ thường mặc áo yếm. Yếm có thể là yếm cổ xây hoặc yếm cánh nhạn xẻ sâu xuống mãi tận dưới. Với những người đã đứng tuổi thường mặc yếm có màu tối, còn với các cô gái trẻ thì diện màu đỏ thắm. Không như áo dài, với áo tứ thân các bà, các mẹ ngoài việc mặc đi lễ hội thì vẫn có thể mặc lao động luôn.

Yếm được mặc bên trong áo tứ thân
Yếm được mặc bên trong áo tứ thân

Áo tứ thân có nhiều loại, nhưng loại áo có thân buông tà hay thắt vạt… còn loại áo mớ ba, mớ bảy được các mẹ, các chị mặc ưu ái mặc vào các dịp hội hè. Theo các nhà nghiên cứu, thì áo tứ thân mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về nhân sinh quan và tình cảm con người; trong đó, 4 tà áo tượng trưng cho thân phụ, mẫu còn 2 tà phía trước thì tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng sẽ gắn bó, đầm ấm bên nhau. Để tạo màu cho trang phục của mình, người phụ nữ xưa thường khéo léo dùng màu sắc tự nhiên từ lá bang, củ nâu hay bùn dẻo dưới ao lên để làm màu cho trang phục. Nhưng dù thế nào, chiếc áo ấy vẫn luôn tôn lên vẻ đẹp tuy mộc mạc, bình dị nhưng lại khéo léo, độc đáo của người phụ nữ Việt.

Áo tứ thân của người phụ nữ Việt xưa
Áo tứ thân của người phụ nữ Việt xưa

Ngày nay, cùng với xu thế phát triển trong cách ăn mặc người phụ nữ không còn vận trên mình bộ trang phục đó nữa. Nhưng tại nhiều ngôi làng cổ, những bộ trang phục xưa vẫn được các bà, các mẹ lưu giữ lại cẩn thận như một kỷ vật. Và tuy chỉ thấy áo tứ thân trong các dịp lễ hội hoặc trên sân khấu, nhưng trang phục này không vì thế mà không được biết đến rộng rãi. Nó vẫn làm đắm say du khách khi về thăm hội Lim của vùng Kinh Bắc, hay những lễ hội khác ở bất cứ vùng quê Bắc Bộ nào.

Girl Bar Tanabata

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.