Khám Phá Ngôi Chùa Cổ Nhất Việt Nam – Chùa Dâu

0

Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và cách Hà Nội khoảng 30km. Chùa có nhiều tên gọi khác nhau như: Pháp Vân tự, Thiền Định tự, Cổ Châu tự… nhưng dù là tên gọi nào đi chăng nữa, thì nơi đây vẫn luôn được coi là trung tâm phật giáo và là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam.

“Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về,

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”.

Không biết tự bao giờ, những câu thơ trên đã trở nên gần gũi và tự hào đối với những dân miền quê quan họ. Cách Hà Nội khoảng 30km, xuôi theo quốc lộ 5, tới Phú Thị, rồi rẽ theo quốc lộ 182 đi chừng 12km là bạn sẽ tới chùa Dâu.

Chùa Dâu Bắc Ninh
Chùa Dâu Bắc Ninh
Chùa Dâu là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa phật giáo, gồm từ Ấn Độ sang và từ phương Bắc xuống. Vào buổi đầu Công Nguyên, một vị sư của Ấn Độ tên Khâu Đà La đã tới đây để truyền bá đạo phật đầu tiên và lập lên thiền phái phật giáo Luy Lâu – Trung tâm phật giáo lớn nhất và cổ xưa nhất Việt Nam.

Chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ II (khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226). Chùa Dâu ngoài thờ Phật còn thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), một sự kết hợp độc đáo trong sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ cùng tín ngưỡng dân gian của người Việt xưa.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Dâu được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Trong đó, 4 dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh 4 ngôi nhà chính gồm: Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Tiền đường được đặt tượng Hộ Pháp cùng 8 vị Kim Cương; gian Thiêu hương đặt tượng Cửu Long… Thượng điện đặt tượng Bà Dâu, Bà Đậu cùng các hậu cận. Các pho tượng Bồ Tát, Tam Thế, Đức Ông, Thánh tăng thì được đặt ở phần hậu điện phía sau chùa.

Kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” của chùa Dâu
Kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” của chùa Dâu
Có lẽ chùa Dâu không chỉ hấp dẫn bởi sự cổ kính, cảnh đẹp mộc mạc mà nó còn hấp dẫn du khách với những pho tượng thờ: ở giữa chùa có thờ tượng Bà Dâu (hay còn gọi là nữ thần Pháp Vân), cao gần 2m có dáng uy nghi, trầm mặc. Tượng có gương mặt thanh tú, cùng nốt ruồi to đậm giữa trán, ở hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ.

Giữa sân chùa trải rộng có tháp Hòa Phong. Tháp được xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa. Trải qua bao biến cố lịch sử, thời gian đã lấy đi 6 tầng trên cùng của tháp, hiện nay chỉ còn lại 3 tầng dưới cao 17m nhưng trông vẫn oai nghi không kém. Chân tháp hình vuông, mỗi cạnh dài 7m. Trong tháp có treo một quả chuông đồng được đúc vào năm 1783 và một chiếc khánh được đúc năm 1817.

Tháp Hòa Phong được xây ở giữa sân
Tháp Hòa Phong được xây ở giữa sân
Hàng năm, cứ vào ngày 8/4 âm lịch (được coi là ngày sinh của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni) nhân dân trong vùng lại nô nức, tưng bừng mở hội chùa Dâu. Đây là một lễ hội lớn, nổi tiếng ở nước ta thu hút không chỉ khách du lịch thập phương mà cả du khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu về kiến trúc, Phật giáo.

Girl Bar Tanabata

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.