Phố Nhật Bản thứ 2 giữa lòng Sài Gòn

0

Chỉ mới được thành lập khoảng 4 năm trở lại đây, khu phố Nhật Bản nằm ẩn trong những con hẻm tại quận Bình Thạnh góp phần tạo nên một Sài Gòn đa dạng sắc màu văn hoá.

Nhắc đến phố Nhật ở Sài Gòn, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến khu Lê Thánh Tôn – Thái Văn Lung – Ngô Văn Năm (quận 1), hay còn gọi là “Little Tokyo”, với hệ thống dày đặc các nhà hàng, quán cà phê, khách sạn… đậm chất văn hoá Nhật. Gần đây, có một khu phố ở quận Bình Thạnh cũng thu hút rất đông người Nhật đến sinh sống, tạo nên một cộng đồng mới của những vị khách đến từ xứ sở hoa anh đào.

Phố Nhật Bản thứ 2 của TP.HCM cách trung tâm quận 1 khoảng 3 km, nằm trên đường Phạm Viết Chánh (phường 19, quận Bình Thạnh). Lối vào chỉ là một con đường nhỏ, ít người biết, ẩn khuất sau những chung cư, nhà cao tầng. Tuy nhiên, những ai đã lạc vào đây, hẳn sẽ ngỡ ngàng trước một loạt các biển hiệu nhà hàng tiếng Nhật đủ màu sắc, xen kẽ với những cửa hàng Việt Nam.

Nơi đây còn có cửa hàng dịch vụ giặt ủi, các căn hộ cho thuê, siêu thị… tất cả đều được ghi chú bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Đây chính là một “Little Tokyo” mới của Sài Gòn.

Ông Kiyoshi đang mua hàng ở một siêu thị Nhật, cho biết: “Khu này chỉ mới tập trung đông người Nhật khoảng hai năm nay, và đa phần đều là những người chuyển từ quận 1 về. Tôi đã chuyển về đây sinh sống gần một năm, qua lời giới thiệu của một người bạn. Sống tại đây rất tốt vì giá thuê nhà rẻ hơn ở quận 1 rất nhiều. Phòng ốc lại rộng rãi hơn và không gian sống cũng thoải mái hơn. Từ vị trí này, tôi không quá khó khăn để đi làm ở quận 1, tại một công ty liên doanh Việt – Nhật”.

Trong bán kính rộng 1 km2, nơi đây tập trung gần 10 các cửa hàng phục vụ người Nhật. Trong đó, không thể thiếu những cửa hàng bán món bánh bạch tuộc Tkoyaki, một loại thức ăn đường phố rất phổ biến của người dân đất nước mặt trời mọc.

Bánh Takoyaki tại đây được bán với giá rất phải chăng, chỉ từ 20.000 đồng 3 viên và 30.000 đồng 6 viên, thu hút không chỉ người Nhật mà còn cả người Việt.

Tại cửa hàng bán bánh Takoyaki do một người ông chủ người Nhật mở, hai bạn Phạm Khánh Linh và Phạm Thị Thuý Hằng đang nướng bánh để bán cho khách. Hai bạn đều là sinh viên tiếng Nhật của Đại học Sư phạm TP.HCM đi làm thêm, với mức lương 20.000 đồng một giờ. Hai bạn chia sẻ phải biết tiếng Nhật mới làm được.

Khu vực đường Phạm Viết Chánh còn có những nhà hàng được trang trí đúng theo văn hoá Nhật, được gọi là các Izakaya (nơi để thưởng thức rượu và thức ăn).

Đặc điểm chung của izakaya là đều có bảng hiệu bằng vải thưa hoặc cửa kính, để thực khách từ bên ngoài có thể nhìn được vào bên trong, và nổi bật nhất là các lồng đèn làm bằng giấy đỏ.

Ông Kogi Inoue, chủ một nhà hàng được trang trí theo phong cách izakaya, cho biết ông đã mở nhà hàng này được 3 tháng. Đây là nhà hàng thứ hai của ông, bên cạnh nơi đầu tiên ở khu vực Lê Thánh Tôn. Ông Kogi đã đến Việt Nam từ 2 năm trước để làm kỹ sư, nhưng chỉ 3 tháng sau ông đã bỏ việc và chuyển sang kinh doanh nhà hàng.

Tại nhà hàng của ông, mỗi tối có tiết mục hát và múa các bài hát tiếng Nhật do nhân viên biểu diễn.

Trong trang phục Miko truyền thống của người Nhật, những nhân viên người Việt Nam tạo nên nét văn hoá đậm chất Nhật Bản ngay giữa lòng Sài Gòn. “Các động tác hát, múa đều do ông chủ dạy”, một nhân viên phục vụ chia sẻ.

Làm việc tại nhà hàng đã hai tháng nay, bạn Bùi Bích Ngọc, sinh viên năm II ngành Du lịch (ĐH Hutech), cho biết bạn rất yêu văn hoá Nhật và công việc tại đây cho bạn cơ hội được tiếp xúc cũng như trau dồi tiếng Nhật và tiếng Anh.

Giá thuê mặt bằng ở khu này rẻ hơn quận 1 rất nhiều, lượng khách hàng người Nhật cũng ổn định.

Các món ăn tại nhà hàng chị chỉ dao động 8.000-60.000 đồng. Ông Naoyuki Takehito, thực khách người Nhật, cho biết ông rất thích các nhà hàng tại đây vì “thức ăn ngon và phục vụ rất tốt”.

Với cộng đồng người Nhật rất đông tại đây, trong tương lai, chắc chắn khu phố Nhật này còn phát triển hơn nữa, sẽ là một địa điểm hấp dẫn để trải nghiệm văn hoá của xứ sở hoa anh đào, góp thêm cho một Sài Gòn đa dạng bản sắc, văn hoá.

Khu phố Nhật Bản ở khu vực đường Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh (chấm đỏ).

Nguồn: Zing News

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.