Văn Miếu Quốc Tử Giám, Điểm Đến Hấp Dẫn Khi Tới Hà Nội
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích chứa đựng nhiều giá trị nhân văn cao quý. Trải qua cả gần ngàn năm lịch sử, nhưng nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính với những đặc điểm kiến trúc của nhiều thời đại và được xem là một trong những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, quan trọng bậc nhất của cả nước.
Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 thời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, đây cũng là nơi thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An.
Văn miếu nằm ở phía Nam thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) với diện tích hơn 55.000 mét vuông gồm: Hồ Văn, vườn Giám và Nội tự. Trong đó, Nội tự lại được chia làm 5 khu vực: khu thứ nhất từ cổng Văn Miếu tới cổng Đại Trung; khu thứ 2 nổi bật hơn với công trình kiến trúc độc đáo Khuê Văn Các, được xây dựng năm 1805 có kiến trúc bằng gỗ, xung quanh có cửa sổ tròn và những con tiện tỏa ra làm tứ phía tượng trưng cho hình ảnh sao Khuê tỏa sáng; còn khu thứ 3 là nơi lưu giữ bia tiến sĩ được dựng vào năm 1484; khu thứ 4 thờ Khổng Tử và 72 bài vị những học trò xuất sắc của Khổng Tử, và Chu Văn An; khu cuối cùng là nhà Thái Học, vốn là Quốc Tử Giám khi xưa (trường đại học đầu tiên của Việt Nam).
Các công trình của Văn Miếu được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, gạch đất nung, ngói mũi hài theo kiến trúc nghệ thuật của triều đại nhà Lê, Nguyễn.
Nếu có dịp đến thăm Hà Nội, bạn hãy một lần ghé thăm Văn Miếu và chỉ có đến đây bạn mới thấy được hết những giá trị của nó. Ví như, sự độc đáo của 82 bia tiến sĩ chính là những bài văn khắc trên bia. Trên thế giới có nhiều quốc gia cũng dựng bia để tưởng nhớ, nhưng chí có duy nhất bia tiến sĩ ở Văn Miếu của Việt Nam là có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại, nền giáo dục – đào tạo và cách sử dụng nhân tài. Hơn thế, những văn bia này phần lớn là do những danh nhân của nước ta biên soạn nên chúng thực sự là những tác phẩm vô giá.