Độc Đáo Cơm Nắm Lá Cọ Phù Ninh
Ngoài những món ngon dân dã như: thịt muối chua thanh sơn, búp khoai kho Thanh Thủy, trám om kho cá… thì cơm nắm lá cọ Phù Ninh cũng có nổi tiếng không kém.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh”.
Có lẽ câu ca quen thuộc ấy đã đi sâu vào tâm hồn của biết bao thế hệ người dân Phú Thọ và cả những ai đã từng đi qua nơi nơi này, bởi món quà tưởng chừng đơn giản ấy lại gắn bó với tuổi thơ của mỗi người nơi đây. Để rồi, mỗi khi xa quê người ta lại thấy nhớ, thấy thêm thương món ăn của quê hương mình.
Phú Thọ có diện tích trồng cọ lớn nhất nước ta, có ai đó đã từng nói rằng cậy cọ là đặc sản của Phù Ninh quả là không sai. Ngoài lá cọ là vật liệu quan trọng để lợp nhà, còn có áo tời lá cọ, nón lá cọ, mành cọ… Phù Ninh còn có cơm nắm lá cọ, món ăn không chỉ được người dân yêu thích mà ngay cả nhiểu du khách đến đây cũng rất yêu thích.
Tuy là món ăn bình dị, nhưng để có được món ăn đúng điệu thì vẫn cần đến đôi tay khéo léo của người nấu. Cứ vào mùa cọ, khi những tấm lá còn chưa xòe hết, xanh mướt mà thì người ta sẽ chặt về để nắm cơm.
Lá cọ khi đem về sẽ được hơ qua lửa cho mềm, tiếp tục đến là công đoạn làm sạch, sau đó mới được nắm với cơm đã chuẩn bị sẵn. Khi nấu cơm, người nấu sẽ cho nhiều nước hơn so với bình thường, mà phải dùng nước mưa được đựng trong những bể nước ngoài trời như thế cơm mới trắng, thơm và ngon.
Để cơm nắm được ngon, thường người ta sẽ nắm cơm lúc đang độ chín tới. Trước khi nắm phải nhúng tay vào nước lạnh hoặc khăn ướt rồi nắm tròn lại thật kỹ cho đến khi cơm quện vào nhau tạo thành một khối thật dẻo. Kế tiếp, bỏ nắm cơm ấy vào lá cọ rồi phải lăn qua lăn lại cho thật chặt, vì càng chặt cơm sẽ càng ngon và bùi.
Vì công đoạn nấu rất kỹ lưỡng, nên cơm nắm lá cọ có thể để được cả ngày mà không bị thiu. Khi ăn, bóc lớp lá cọ bên ngoài đi, người ta sẽ thấy nắm cơm in hình những đường gân đầy uyển chuyển của lá cọ. Ăn cơm lá cọ Phù Ninh là phải ăn với muối vừng, muối lạc mới cảm nhận được hết hương vị đặc trưng của món ăn này: vị ngai ngái của lá cọ kết hợp với mùi thơm của gạo quê, vị béo của lạc, vừng như gửi trọn trong đó cái tình, cái nghĩa của mảnh đất đầy nắng gió miền trung du này.
Hiện nay, loại cơm này đã xuất hiện ở những nhà hàng và cả những khu du lịch sinh thái, được khách du lịch ưa thích. Nhưng chắc chắn có một điều rằng chỉ có tới làng quên Phù Ninh, bạn mới thấy rõ được nắm cơm có mùi thơm ngái của lá cọ non.