Đờn Ca Tài Tử Nghe Là Ghiền
Nghệ thuật đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Việt Nam, được hình thành từ cuối thế kỷ 19. Đây là nét sinh hoạt tinh tế trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ không chỉ trong các dịp lễ hội, Tết, họp mặt… mà ngay cả trong những thường nhật hàng ngày.
Đờn ca tài tử được hình thành vào cuối thế kỷ XIX, có nguồn gốc từ nhã nhạc cung đình Huế cùng những di sản âm nhạc từ phía Bắc theo các nhạc sư, nhạc quan của triều đình nhà Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam. Nhưng đến ngày nay thì đờn ca tài tử đã trở thành đặc sản văn hóa riêng của vùng đất giàu tình người này.
Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đờn và ca những bài hát dựa trên cơ sở nhạc cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam để hát chơi sau những giờ lao động vất vả. Các bản của đờn ca tài tử được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cổ.
Nhạc cụ được sử dụng trong đờn ca tài tử gồm nhiều loại đàn khác nhau: đàn kìm, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn sến, đàn độc huyền, sáo, tiêu và song loan. Từ khoảng năm 1930, nghệ thuật hát này còn có thêm sự du nhập của loại đàn ghita phím lõm, violon… Vì là một dòng nhạc có xuất phát từ cung đình, nên việc biểu diễn đờn ca tài tử cũng khá đặc biệt và đòi hỏi người biểu diễn phải có tài năng, trình độ thực sự. Nếu nhã nhạc và ca trù, người hát chính thường là nữ thì trong nghệ thuật đờn ca nam và nữ lại có vai trò bình đẳng, giữa người đàn và người hát cũng có vị trí tương đương nhau.
Một sự khác biệt nữa trong nghệ thuật đờn ca tài tử Việt Nam là được biểu diễn theo lối ngẫu hứng, tức là dựa trên bản nhạc truyền thống, người hát sẽ cải biên theo cách của riêng mình. Chính sự khác biệt này làm cho người nghe luôn cảm thấy mới mẻ dù nghe cùng một bài.
Trước đây, đờn ca chủ yếu được biểu diễn trong các gia đình hoặc một số ít khán giả. Nhưng theo thời gian, và sự hấp dẫn của mình (ai cũng có thể trình diễn, dễ đi vào lòng người, dễ đổi mới…) đờn ca tài tử đã được sân khấu hóa để biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức của đông đảo công chúng. Và giờ đây, nó đã trở thành tài sản độc đáo riêng của người dân các tỉnh Nam bộ, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Những giai điệu du dương, ngọt ngào mà sâu lắng khiến ai khi nghe rồi cũng cảm thấy thích thú. Cũng bởi chính giá trị văn hóa ấy, tháng 12 năm 2013 đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.