Nét Dịu Dàng Trong Chiếc Nón Lá Huế

0

Gắn với tà áo dài Huế, thì chiếc nón lá cũng luôn đi cùng với người phụ nữ Huế. Nón lá không chỉ là vật để che nắng, mưa mà nó còn tôn lên vẻ đẹp duyên dáng và thanh tao của người phụ nữ.

Nón lá xuất hiện ở nhiều vùng miền, và ở mỗi nơi đều có nét đẹp riêng và nón lá Huế cũng vậy. Nghề làm nón ở Huế được hình thành từ hàng trăm năm nay với nhiều làng nghề làm nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Triều Tây, Kim Long… Hiện nay, nghề làm nón tuy không còn thịnh vượng như xưa, nhưng đâu đó vẫn còn những làng nghề, những người thợ với đôi bàn tay tài hoa vẫn âm thầm gắn bó với nghề.

Nón lá bài thơ Huế rất được các du khách nước ngoài ưa thích
Nón lá bài thơ Huế rất được các du khách nước ngoài ưa thích

Nón lá Huế, thoạt nhìn tưởng đơn giản, nhưng để làm ra được một chiếc nón lá đẹp, nhẹ và bền thì đòi hỏi cả một nghệ thuật công phu của người nghệ nhân. Trong khâu kỹ thuật, người thợ nào có tay nghề thì dù lá khô cũng vẫn giữ được được màu xanh nhẹ, 16 vành thường được vót tròn trĩnh, tỉ mỉ.

Lá để làm nón ở Huế cũng là loại lá làm nón như bao vùng khác, nhưng việc tuyển chọn lại tỉ mỉ qua nhiều khâu như: hấp, sấy, phơi sương, rồi đến ủi phẳng sao cho mặt lá giữ được màu trắng xanh thì mới đạt chuẩn. Sau công đoạn chọn lá, là đặt biểu tượng hay hoa văn cho hai lớp lá sao cho được cân đối hài hòa trong không gian nón. Về biểu tượng, các nghệ nhân ở đây cho vào hình ảnh cầu Trường Tiền, núi Ngự Bình, Ngọ Môn hay Phu Văn Lâu… Và đi kèm theo các biểu tượng ấy phải là một số những câu hoặc đoạn thơ ngắn nổi tiếng viết về Huế được in bằng giấy bóng ngũ sắc giúp tạo sự nổi bật của chiếc nón.

Lá để làm nón được chọn lọc kỹ lưỡng
Lá để làm nón được chọn lọc kỹ lưỡng

Trông các khâu để tạo nên chiếc nón, thì việc đưa chằm lá vào vành nón là công đoạn quan trọng nhất. Nó đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ để từng đường kim, mũi cước được thẳng và đều theo độ cong mềm mại của vành nón. Vì đỏi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ nên công đoạn này thường do người phụ nữ làm. Cũng chính vì thế mà, ở những làng nghề làm nón tại Huế, các bé gái được dạy nghề từ rất sớm, nhiều em chỉ mới 14-15 tuổi đã thông thạo các khâu làm nón.

Ở Huế, các bé gái được dạy nghề từ rất sớm
Ở Huế, các bé gái được dạy nghề từ rất sớm

Sau khi nón lá được hoàn tất, người ta sẽ quét lên trên một lớp dầu bóng bằng nhựa thông, để nước mưa sẽ không thấm vô và cũng là để bảo vệ độ bền của nón. Nhưng dù thế nào thì nón lá Huế vẫn giữ được màu trắng nhẹ nhàng, thuần khiết… đó là màu của lá non tự nhiên. Không chỉ được người dân tại Huế, mà nhiều vùng miền cũng ưa chuộng chiếc nón lá Huế. Với những du khách nước ngoài thì nón lá bài thơ được ưa chuộng hơn cả, bởi sự thanh thoát, nhẹ nhàng.

Khi du lịch tới Huế, bạn rất dễ bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ đội chiếc nón lá trong các chợ hay trên gánh hàng rong tảo tần khắp các phố. Và còn là hình ảnh những nữ sinh thướt tha bên tà áo dài cùng chiếc nón trông thật hấp dẫn. Nó lá Huế, không khó tìm, ở chợ Huế nào hầu như cũng có từ chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự cho đến Dạ Lê…

Girl Bar Tanabata – Ảnh: Internet

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.