Nét Duyên Thầm Trong Khăn Mỏ Quạ
Cùng với áo tứ thân, thì người ta cũng chưa biết chính xác khăn mỏ quạ xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng chiếc khăn hình vuông, màu đen nền nã ấy thì phụ nữ Bắc Bộ ngày xưa ai cũng có.
Có thể thấy trang phục là phương tiện mà ở đó bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện một cách rõ nét nhất. Đặc biệt là những trang phục tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Nó không chỉ thể hiện cách ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội mà đó còn là cách thể hiện thẩm mỹ của con người có tinh tế hay không.
Nói đến khăn đội thì ở mỗi vùng miền có đặc trưng riêng, với người phụ nữ Bắc Bộ thì khăn mỏ quạ như một phụ kiện trang sức hấp dẫn, không chỉ làm nền cho trang phục mà còn tôn thêm nét duyên dáng, thiết tha.
Khăn mỏ quạ có khổ vuông và thường là màu đen. Chiếc khăn tuy giản dị, nhưng không phải ai cũng biết chit, và chỉ có biết cách chit thì trông mới đẹp được. Theo kinh nghiệm của người phụ nữ xưa thì: “Khăn mỏ qụa phải chít sao cho vừa, hợp với khuôn mặt, phải tạo cho khuôn mặt như hình chiếc búp sen. Khi chít nếu để cái mỏ quá cao, trông sẽ điệu, nếu để quá thấp thì sẽ tối khuôn mặt…
Để chít khăn mỏ quạ cho đẹp, trước tiên phải biết quấn tóc gọn gang trong một khăn nhỏ dùng cho vấn tóc, rồi vòng tròn lại và đặt ngay ngắn lên đầu, hơi dịch về phần gáy và ghim lại cho chặt. Và điều quan trọng ở đây là, khăn phải được gấp chéo sao cho cân đối, khi đội lên đầu bẻ hình mỏ quạ sao cho ở chính giữa đường ngôi trên đầu, vắt hia góc khăn về phía sau và thắt múi ở gáy.
Cái tên mỏ quạ làm cho người nghe cảm thấy thú vị, chỉ mới nghe thôi là muốn khám phá và tìm tòi. Chắc có lẽ vì khi chít, nó giống như cái mỏ quạ nên người xưa đặt luôn như thế. Chiếc khăn đã tạo nên cho người phụ nữ một nét duyên thầm, để rồi những chàng trai khi nhìn phải thốt lên rằng:
“Nhìn em khăn vuông mỏ quạ
Để anh trong dạ tơ vương
Nhìn em khăn ,vuông mỏ quạ
Để anh hóa đá vì người…”.
Nếu như áo tứ thân, nón quai thao giờ đây thường chỉ xuất hiện trong các lễ hội, sân khấu thì khăn mỏ quá có lẽ vẫn còn phổ biến hơn. Nếu có dịp về những làng quê Bắc Bộ bạn sẽ vẫn thấy các bà, các cụ vẫn còn chít khăn mỏ quạ, dù không còn là phụ kiện đi cùng với mái tóc sớm tối nữa; nhưng những lúc đi chợ, nấu cơm, ra đồng hay lễ hội thì khăn mỏ quạ vẫn là phụ kiện được ưu ái.