Nón Quai Thao, Nét Duyên Dáng Của Phụ Nữ Việt
Nói đến trang phục đặc sắc cùng các phụ kiện của người phụ nữ Việt thì không thể không nhắc tới nét duyên dáng của chiếc nón quai thao, ngoài áo dài truyền thống, áo bà ba, nón lá, áo tứ thân…
Nón quai thao (hay còn gọi là nón ba tầm) là một loại nón của phụ nữ Bắc Bộ. Nón có quai đeo, đỉnh có đường kính 70-80cm, vành rộng 10-12cm. Nón quai thao thường đi kèm với áo tứ thân (còn gọi là áo mớ ba mớ bảy), đây là bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa y phục của người phụ nữ Bắc Bộ. Nếu chiếc áo tứ thân nửa kín, nửa hở làm say mê biết bao đấng nam nhi, thì chiếc nón quai thao đẹp và sang trọng được ví như câu hát trữ tình: “Ai làm chiếc nón quai thao, để anh thương nhớ ra vào không nguôi”.
Tương truyền rằng, nón ban đầu xuất hiện ở Hải Dương vào đời Trần thế kỷ XVIII được dùng cho cung nữ nên gọi là nón thương. Đến đời Lê, nón được thêm quai thao. Trước đây, nón được làm bằng lá cọ hoặc là gồi nhưng những lá này phải được chọn lọc kỹ càng: lá mỏng, sống nhỏ và không được già. Nếu chọn lá già nón sẽ có màu vàng đậm, như thế sẽ không đẹp. Nếu lá quá non thì cũng không được, vì như thế nón có màu vàng nhạt cũng không đẹp.
Giữa nón là khua nón, một vành cao khoảng 8cm nhằm giúp người đội được chắc. Khua nón tuy nhỏ, nhưng đòi hỏi người làm sự công phu. Người làm thường phải chuốt bóng sợi tre nhỏ trước, sau đó mới lấy chỉ móc trắng và may kỹ lại với nhau. Khu thường được làm cứng để chịu đựng được sức nặng của toàn thân nón, mặt bên trong được lợp giấy có hình hoa lá, chim bướm… nên gọi là hoa nón.
Chiếc nón quan trọng, nhưng quai thao cũng cần thiết không kém, bởi về mặt vật chất thì nó giúp giữ thăng bằng và vững chắc cho chiếc nón. Còn xét về mặt thẩm mỹ, nó tôn lên nét duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ: “Chưa chồng nón thúng quai thao, chồng rồi, nón rách, quai nào thì quai”. Thường với những cô gái thì thích dùng quai màu trắng ngà, còn các bà các mẹ thì thường dùng màu đen. Khi đội nón, để tạo sự uyển chuyển, dịu dàng, các bà, các cô thường đi từ từ và thường lấy tay giữ quai trước ngực để tránh nón đong đưa.
Thời trước nón quai thao thường được người phụ nữ đội trong các dịp lễ, Tết, hội hè hoặc những lúc công việc nhàn nhã nhưng cần sự nghiêm chỉnh và lịch sự. Ngày nay, rất tiếc loại nón này chỉ còn thấy trong những buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, dù thế nào thì cùng với áo tứ thân thì nón quai thao vẫn luôn tồn tại và trở thành di sản trường tồn mãi cùng với văn hóa y phục của dân tộc.