Thành Cổ Quảng Trị, Điểm Hoài Niệm Hút Du Khách
Soi mình bên dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, trải qua bao biến động của lịch sử thành cổ Quảng Trị vẫn đứng uy nghi, trầm mặc và trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Thành cổ Quảng Trị nằm cách quốc lộ 1A 2km về phía đông, đây được coi là biểu tượng kiêu hùng và là thành lũy quan trọng của quân ta trong những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ngày nay, thành cổ Quảng Trị trở thành điểm hoài niệm không chỉ của các vị quân nhân mà nó còn là địa điểm hấp dẫn với những ai yêu và muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng của người dân nơi đây.
Thành cổ được vua Gia Long cho xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19, ở trên một khu đất cao với sông Thạch Hãn ở phía Tây, còn sông Vĩnh Định ở phía Bắc cùng dân cư vùng đồng bằng Triệu Hải. Theo tài liệu để lại, thì ban đầu thành được xây bằng đất, sau này được vua Minh Mạng cho tân trang lại làm chức năng quân sự với 4 pháo đài, có 4 cửa ra vào. Bao quanh thành cổ là hệ thống hào thành sâu hơn 3m, rộng 18m. Các cửa thành được xây theo lối kiến trúc vòm cuốn và vọng lâu, mái cong được lợp ngói âm dương. Bên ngoài mỗi cửa đều có một chiếc cầu cong để bắc qua hào thành, còn bên trong hành cung được bảo vệ bởi hệ thống tường cao, dày vững chắc.
Dưới thời nhà Nguyễn, thành cổ Quảng Trị được xem là thành lũy để bảo vệ kinh đô Huế. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là sau trận chiến năm 1972, thành cổ gần như bị san phẳng chỉ còn cửa hướng Đông dường như là giữ được nguyên hình. Ngày nay, chỉ có 4 cổng thành và vài đoạn tường thành được phục chế, còn lại hầu như không còn. Tuy nhiên, dù không còn những dấu ấn xưa, nhưng thành cổ vẫn là điểm hoài niệm và tâm linh hấp dẫn du khách phương xa.
Đến thành cổ Quảng Trị, du khách không chỉ được ngắm nhìn dòng sông Thạch Hãn trôi hiền hòa mà còn cảm nhận được sâu sắc tình yêu nước nồng nàn luôn thường trực trong trái tim mỗi người dân Việt tại thành cổ. Đây được xem là 2 nghĩa trang không bia mộ, bên cạnh 2 nghĩa trang quốc gia là: Nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9.
Uy nghi, trầm mặc là thế giờ đây thành cổ Quảng Trị trở thành điểm đến hấp dẫn. Hàng năm, hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm lại chiến trường xưa và như tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng thời cũng là để tìm hiểu về lịch sử truyền thống cách mạng của mảnh đất một thời rực lửa.