Những làng Nghề Tranh Sơn Mài Nổi Tiếng Ở Việt Nam
Ngoài tranh Đông Hồ, Hàng Trống… thì tranh sơn mài cũng đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Từ những chất liệu tưởng chừng mộc mạc, ấy vậy mà dưới đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, tranh sơn mài trở thành những tác phẩm mang đậm chất nghệ thuật.
Tranh sơn mài ở nước ta có từ lâu đời, và thực sự là không hề “độc quyền”. Bởi một số nước trong khu vực Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng có loại hình tranh vẽ này. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật thì kỹ thuật sơn mài, cũng như các vật liệu của Việt Nam là hoàn toàn khác so với các quốc gia đó.
Việt Nam có nhiều làng nghề làm tranh sơn mài có, dưới đây Girlbar xin liệt kê một số làng nghề sơn mài có tiếng:
1. Làng nghề sơn mài Hạ Thái (Hà Nội)
Làng nghề sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ban đầu làng nghề này là phường sơn son thiếp vàng Cự Tràng, về sau đổi tên thành làng Đông Thái và cuối cùng là Hạ Thái.
Nơi đây, xưa kia người thợ thủ công chỉ tập trung vào sản xuất hàng sơn son thiếp vàng, chủ yếu là dùng các loại sơn ta và pha theo cách cổ truyền. Để các sản phẩm có kiểu dáng và mẫu mã đẹp, nên những người nghệ nhân của làng nghề đã tiến hành áp dụng kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn để nhằm tạo cho sản phẩm độ bóng, bền và đẹp.
Nếu có dịp đến Hà Nội và ghé qua làng nghề truyền thống này, bạn mới thấy hết được sự tỉ mỉ, công phu trong từng khâu, từng công đoạn làm tranh. Qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, vẻ đẹp của thiên nhiên, của những làng quê Việt Nam được tái hiện một cách sinh động và hấp dẫn. Đó có thể là bức tranh về cây đa bến nước, sân đình, Vịnh Hạ Long, Chùa Một Cột… Cũng chính điều ấy, mà tranh sơn mài Hạ Thái đã chiếm được niềm tin của rất nhiều người tiêu dùng, nhất là những người yêu tranh sơn mài.
2. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Theo các nghệ nhân ở đây kể rằng, vào nửa đầu thế kỷ 18, những người dân làm nghề sơn mài ở một số tỉnh miền Trung, miền Bắc di cư vào thành phố Thủ Dầu Một và lập nên một ngôi làng nhỏ với tên gọi Tương Bình Hiệp. Khi rảnh rỗi người dân nơi đây thường vẽ tranh để tưởng nhớ quê cha đất tổ. Cứ như thế, tiếng lành đồn xa tranh sơn mài Tương Bình Hiệp được nhiều người biết đến, để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng từng hộ dân ở đây đã chuyên sâu vào ngành này và hình thành nên làng nghề Tương Bình Hiệp như ngày nay.
Để tạo nên một bức tranh sơn mài cổ truyền thường phải trải qua 25 công đoạn, đòi hỏi mất nhiều thời gian, sự tỉ mỉ và cả công sức, chỉ tính công đoạn sơn mỗi sản phẩm thôi đã mất 3 – 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng. Có công đoạn phải làm đi làm lại nhiều lần mới đạt yêu cầu như hom, sơn lót.
Trải qua những thăng trầm, nhưng hiện nay tranh sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn luôn giữ được sự tinh xảo, thanh thoát và đậm nét truyền thống.