Chùa Bút Tháp, Kiệt Tác Của Kiến Trúc Và Điêu Khắc
Chùa Bút Tháp là một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo. Nơi đây được xem là điểm đến tâm linh của nhiều du khách cả trong và ngoài nước.
Nằm bên dòng sông Đuống trù phú, quanh co uốn lượn với những bãi ngô, bãi dâu xanh biêng biếc; chùa Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây được xem là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn lưu giữ được khá nguyên vẹn lối kiến trúc xưa, và có pho tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay được tạc bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.
Chùa Bút Tháp được xây dựng từ rất sớm, dưới thời nhà Trần, chính thiền sư Huyền Quang đã cho tu sửa và ông đã trụ trì tại đây. Chùa cũng từng là nơi trụ trì của thiền sư Chuyết Chuyết – tổ thứ 34 của thiền phái Lâm Tế, một thiền phái chịu ảnh hưởng nhiều của thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Vào những năm 1642 – 1674, chùa được triều Lê cho dựng lại với quy mô lớn hơn theo kiểu “trăm gian” và cũng giống như chùa Dâu, chùa Bút Tháp có kiến trúc kiểu “Nội công ngoại quốc”. Về sau, chùa được tu sửa nhiều lần. Về cơ bản, kiến trúc hiện nay của chùa chủ yếu là của thế kỷ XVII.
So với những ngôi chùa cùng thời thì chùa Bút Tháp bề thế hơn cả. Toàn bộ kiến trúc chính của chùa được quay theo hướng Nam mà theo đạo Phật, đây được xem là hướng của trí tuệ; nằm trải dài trên trục 100m, chùa được kết cấu cân xứng, chặt chẽ ở trung tâm nhưng lại rất hài hòa tự nhiên ở những khu vực xung quanh. Khu trung tâm gồm có 8 nếp nhà nằm ngang, chạy song hành với nhau.
Ngoài cùng là Tam Quan, kế đến là gác chuông hai tầng 8 mái, sau đó là Tiền Đường, Thiệu Hương, nhà Thượng Điện, Cầu Đá, tòa Tích Thiên Am, Trung Đường, Phủ Thờ, nhà Hậu Đường và cuối cùng là hàng tháp đá nằm ở phía sau nhà Hậu Đường. Trong hàng tháp đá ở phía sau, có tháp đá Tôn Đức 5 tầng, cao 11m nơi đặt xá lị của thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ 2 của chùa. Phía bên trái của chùa có ngôi tháp đá Báo Nghiêm 8 mặt, cũng 5 tầng nhưng cao 13m, nơi đặt xá lị của thiền sư Chuyết Chuyết.
Có thể thấy, chùa Bút Tháp ngoài giá trị về mặt kiến trúc; chùa hiện còn lưu giữ hàng trăm hiện vật có niên đại từ thế kỷ XVII như: hệ thống sập thờ, nhang án, hoành phi, câu đối, tháp cửu phẩm, hệ thống tượng, đặc biệt là pho tượng Quan Ân nghìn mắt nghìn tay. Pho tượng này được xem là tác phẩm kiệt xuất của nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XVII và được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2011.
Chùa Bút Tháp là đỉnh cao của kiến trúc nghệ thuật, tiêu biểu cho kiến trúc thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII. Chính với kiến trúc độc đáo của mình, chùa là điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Tanabata – Ảnh: Internet