Đại Nội Huế – Điểm Đến Hấp Dẫn Du Khách
Huế có nhiều cảnh đẹp làm say lòng người, và một trong số ấy chính là Đại Nội Huế.
Nằm ở bên dòng sông Hương thơ mộng, Đại Nội Huế thuộc quần thể di tích cố đô, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993. Đại Nội thuộc phường Thuận Thành, thành phố Huế.
Đại Nội bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, với hơn 100 công trình kiến trúc đẹp ở nhiều khu vực khác nhau và có chức năng khác nhau. Hệ thống thành quách nơi đây được thiết kế hài hòa, nhuần nhuyễn giữa Đông và Tây. Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng phải đến thời vua Minh Mạng (1883) thì mọi việc mới hoàn tất.
Hoàng Thành có mặt bằng vuông, mỗi bề khoảng 600m và được xây bằng gạch dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ và 4 cửa ra vào gồm: cửa chính (phía Nam) chính là Ngọ Môn, phía đông là cửa Hiển Nhơn, phía Tây là cửa Chương Đức và Hòa Bình là cửa phía Bắc.
So với Hoàng Thành, thì Tử Cấm Thành rộng lớn hơn và đóng vai trò quan trọng. Tử Cấm Thành được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 2 (1803), ban đầu có tên gọi là Cung Thành, cho đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821) thì đổi tên thành Tử Cấm Thành.
Lối kiến trúc của thành là hình chữ nhật, cạnh Nam và Bắc dài 341m, cạnh đông và tây dài 308m, chu vi 1298m. Trong khu vực này có gần 50 công trình kiến trúc và một vòng tường thành bao quanh các cung điện: điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), điện Càn Thành (chỗ ở của vua), lầu Kiến trung (nơi đây từng là nơi ở của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương)…
Mặc dù nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành, nhưng vì được thiết kế hài hòa, tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ nước, vườn hoa, các loại cây tỏa bóng mát quanh năm… nên vẫn tạo cho Đại Nội Huế một khung cảnh vừa nên thơ, lại vừa cổ kính rêu phong làm đắm say biết bao du khách. Ngày nay, trải qua bao biến động thăng trầm, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội không còn lại nhiều, chỉ còn khoảng phân nửa con số ban đầu. Nhiều công trình đang được trùng tu, sửa chữa để gìn giữ mãi mãi khu di tích lịch sử thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Nếu đến với Huế, dù chỉ một lần thôi ghé qua Đại Nội bạn sẽ thấy yêu những thăng trầm còn hằn trên những bức tường, những tòa thành; yêu những tà áo dài phấp phới bay trong gió của những cô gái Huế; hay những khung cảnh đẹp thơ mộng mà đến rồi dường như bạn không đủ “dũng cảm” để nói lời từ biệt.